TỪ NGỮ KINH THÁNH
THẦN KHÍ TÁI SINH
CHÚA NHẬT TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
(Ga 6,54a.60-69)
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1Tx 1,1-5.8-10
Thê-xa-lô-ni-ca là thủ đô miền Makêđônia, miền Bắc Hy Lạp. Bị bắt buộc phải trốn thoát vì cuộc bách hại. Phaolô để lại đó một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé rất mỏng manh: Người đã chỉ ở đó vài tháng: Khi gửi Timôthêô đến lấy tin tức, Ngài biết được là các Kitô hữu vẫn đứng vững và gửi cho họ một lá thư để chúc mừng họ và trả lời vài vấn nạn.
Thư này được viết ra khoảng năm 52, là tài liệu viết đầu tiên của Tân ước.
Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện.
Như thế, lá thư đầu tiên của Thánh Phaolô, tài liệu Kitô giáo đầu tiên, sau những lời chào quen thuộc, bắt đầu bằng từ “chúng tôi tạ ơn”. Và từ này bắt đầu một loại tiền tụng “Thánh Thể” một lời tạ ơn dài: trang Sách chúng ta đọc hôm nay là một câu văn duy nhất và kéo dài. Người ta đoán được nhiệt tình của Phaolô.
Niềm vui. Lời tạ ơn Thiên Chúa. Kinh nguyện … trong mọi lúc.
Tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em …
Trong ba tháng rao giảng, Phaolô không có thời giờ để đẩy mạnh việc đào tạo giáo thuyết cho người Thêsxalônica. Người đi thẳng vào điều cốt yếu được tóm tắt ở đây: là Kitô hữu: chính là sống đức tin sống động, là diễn đạt đức tin ấy một cách cụ thể bằng tình yêu và phục vụ mọi người. Sau cùng là can đảm và tin tưởng chịu đựng mọi thử thách. Tin, cậy, mến, ba thái độ hiện sinh định nghĩa người Kitô hữu.
Trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Bởi vì Tin Mừng của chúng ta, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần …
Điều cốt yếu, cũng là Ba Ngôi.
Ta ghi nhận rằng công thức đầu tiên “về Ba Ngôi này trong Tân ước diễn tả không phải một mầu nhiệm” tri thức, nhưng là những liên hệ của chúng ta với Ba Ngôi vị này: Chúa Giêsu Kitô dẫn đầu. Đấng mà trong người chúng ta được đức tin, đức ái và đức cậy … rồi đến với Cha, mà ta sống trước mặt Người … và sau hết Thánh Thần, Đấng thúc đẩy hoạt động hiện thời của các tông đồ, Đấng là tác nhân việc Phúc âm hóa … Đời Kitô hữu của tôi có thực là cuộc sống liên hệ với Ba Ngôi không?
Và chúng ta ghi nhận vai trò của “ơn thánh”. Sự mau lẹ và vững chắc đáng phục của việc phúc âm hóa với những người đàn ông đàn bà này, không do tài lợi khẩu của Phaolô, nhưng do quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.
Người kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào.
Điều căn bản, là thái độ “truyền giáo” của cộng đoàn: họ không giữ đức tin cho mình, nhưng giải tỏa ngay cho những người khác.
Để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi con của Người từ trời mà đến (Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại) là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.
Sau cùng, điều cốt yếu là sự sống lại và chờ đợi Chúa Giêsu, “Đấng đang sống”, và “Đấng sẽ đến”. Một trang đầu của Tin Mừng có sự phong phú đặc biệt.
Bài đọc II: 2 Tx 1,1-5; 11-12
Hai bức thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica là những thư đầu tay của Ngài (vào khoảng năm 51) và cũng là các bản văn đầu tiên của Tân ước: vào thời đó, nghĩa là vào 20 năm sau cuộc tử nạn của Đức Giêsu, các truyền thống Tin Mừng chỉ lưu truyền bằng miệng, chưa được soạn thảo thành bản văn chính thức như hiện nay.
Thực sự, hai bức thư gửi giáo dân Thêxalônica, là tài liệu đầu tiên của đức tin Kitô hữu.
Chúng tôi là Phaolô, Xinvanô và Timôthêô, chúng tôi ngỏ lời với anh em … xin Thiên Chúa là Cha và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Phaolô không đơn độc một mình. Ong sống “tập thể truyền giáo” như người ta thường nói theo kiểu ngày nay. Lạy Chúa, xin ban cho các Kitô hữu, cách riêng cho các Linh mục, tinh thần hợp tác này.
Điều mà Phaolô và các đồng bạn cầu chúc cho các tín hữu của họ là “ân sủng bình an” … của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu.
Đó thật là một cộng đoàn sống tình thân hữu với mức độ rất cao.
Cho anh em, Hội Thánh Thêxalônica đang kết hợp cùng Thiên Chúa và cùng Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.
Cộng đoàn này sống “trong Thiên Chúa” và “trong Chúa Giêsu” …
Như một môi trường đầy sức sống.
Tuy nhiên, theo sự nhận xét bên ngoài, hạng người này chỉ là dân của thủ phủ quân trong xa xưa, thủ đô của xứ Macéđônia trên con đường Egnatia, nối liền biển Egée với biển Adriatique, nơi giao lưu quan trọng, pha trộn nhiều sắc tộc, một thành trì thương mại phồn thịnh. Chỉ mới ít tháng thôi, họ đã tiếp đón Phaolô lần đầu tiên (Cv 17,2). Chắc hẳn họ chỉ có một nhóm nhỏ các Kitô hữu: nhưng Phaolô coi họ như “Hội Thánh kết hợp với Thiên Chúa Cha và với Giêsu Kitô”. Hội Thánh bị nhận chìm trong đế quốc Rôma ngoại giáo.
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho các Kitô hữu NGÀY NAY, là thiểu số trong một thế giới thù nghịch và lãnh đạm, để họ có ý thức về mầu nhiệm Thiên Chúa đang diễn ra trong họ, giữa lòng thế giới.
Thưa anh, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa và anh em … Vì lòng tin của anh em đang phát triển mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác cũng gia tăng.
Niềm hoan lạc, lời tạ ơn. Đó là sinh hoạt chủ yếu trong các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Đó là hạng người luôn luôn biết dâng lời “tạ ơn Chúa” hạng người luôn “họp mừng” (tạ ơn Eukaristein).
Những buổi họp mặt của Kitô hữu chúng ta có sắc thái này không? Phaolô vui mừng và tạ ơn vì đức tin và đức mến. Thật vậy, đó chính là căn bản của đời sống Kitô hữu.
Đức tin này, không dậm chân tại chỗ, cố định … luôn “phát triển”.
Và đức mến này không thiếp ngủ, nghỉ ngơi … nó “gia tăng”. Ồ, họ không phải là dân hoàn hảo, họ là các người đang tiến bước, đó là một cộng đoàn sinh động, không phải bằng những kết quả bên ngoài, mà bằng tiến độ bên trong.
Chúng tôi hãnh diện về anh em vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân.
Đó là Khuôn khổ của Đức trông cậy, nhân đức cao cả thứ ba của Kitô hữu.
Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự nước Thiên Chúa, chính vì nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ. Chớ gì Thiên Chúa ban ơn cho anh em hoàn thành mọi thiện chí của anh em về mọi công việc anh em làm vì lòng tin.
Chịu bắt bớ: thay vì đánh gục các người này, nó làm họ phấn chấn hơn … điều đó lôi kéo họ nhớ nghĩ tới vương quốc cánh chung sắp đến. Họ biết mình đi về đâu.
BÀI TIN MỪNG: Mt 23,13-22
Chúng ta tiếp tục theo dõi Đức Giêsu đưa ra những lời khiển trách Nhóm Pharisêu Bảy lần liên tiếp, Người sẽ nói: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và những người Pharisêu giả hình!” “khốn cho các ngươi …”.
Tiếng Hylạp, rất khó dịch, có thể là: “Ôi dào! Cái hạng các người …”. Đây là một từ tượng thanh, mà người ta có lúc đã dịch: “Khốn cho các ngươi!”. Tuy nhiên, từ này trước hết không phải là một lời chúc dữ. Đúng hơn, nó diễn tả một sự đau đớn sâu xa; một sự phẫn nộ, một răn đe có tính báo động.
Đức Giêsu buồn phiền và phẫn nộ. Người bừng giận.
Chắc chắn Người đã không nói lời đó với giọng điệu dịu dàng trên môi miệng.
Khi cần phải bênh vực một số những giá trị cốt yếu nào đó, Đức Giêsu trở nên mãnh liệt, dù Người là “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, cần phải lắng nghe …
Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào: Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào.
Giờ đây, nỗi căng thẳng của Đức Giêsu đã lên tới cực điểm đối với hạng hữu trách trong dân … vì họ cấm những “kẻ bé mọn” theo Người.
Thay vì “mở” cửa … các người lại “khóa” cửa.
Chìa khóa Nước Trời, mà từ trước cho đến nay các người nắm giữ nhờ kiến thức và sự hiểu biết về Luật, sắp bị tước khỏi các người. Các người hữu trách khác sẽ đón nhận chúng. “Với Phêrô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19).
Tôi cầu nguyện cho những người nắm giữ trách nhiệm trong Giáo-hội, trong xã hội dân sự.
Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ giáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
Ở đây, Đức Giêsu mô tả những người thuộc phe phái, có thể nói được rằng họ săn đuổi để kiếm cho phe phái mình những phần tử mới … họ xông vào dân chúng để biến đám người này thành những kẻ cuồng tín còn nặng đầu óc phe phái hơn cả họ.
Luôn có những lối “tuyên truyền” nghịch với tinh thần của Đức Giêsu: gay gắt muốn cải hóa khác bằng bất cứ giá nào … khăng khăng không còn tôn trọng tự do của hành vi đức tin nữa …
Lạy Chúa, xin hãy biến đổi chúng con trở thành những nhân chứng và tông đồ! Xin hãy cứu chữa chúng con khỏi trở thành những kẻ nặng đầu óc đảng phái, phe nhóm!
Khốn cho các người, bọn dẫn đường mù quáng! Các người bảo: Ai chỉ Đền thờ mà thề, thì cũng như không … Ai chỉ vàng trong Đền thờ, hay Đền thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?
Ở đây, Đức Giêsu nhằm đã phá thái độ hay biện luận những trường hợp lẻ tẻ các hình thức và quy luật … của những người, luôn đặt tầm quan trọng của tôn giáo họ trong những chi tiết kém quan trọng. Có thể chúng ta hãy nhớ lại cách đây ít năm, điều người ta nói về cách giữ chay Thánh Thể: nếu bạn đánh răng trước lễ … nếu bạn nuốt phải một giọt nước mưa rơi xuống trên môi bạn, khi đi tới nhà thờ … (?) Bạn không được phép Rước lễ nữa. Thái độ duy trì hình thức không ngừng xuất hiện dưới nhiều hình thức mới. Những lời khiển trách của Đức Kitô không hề lỗi thời.
Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không … Nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì phải giữ lời thề.
Đừng quên rằng, những trường hợp trên đây thuộc về những vấn đề mà các luật gia thời đó luôn tranh luận.
Ngày nay, lại không có những vấn đề cụ thể trong việc thay đổi phụng vụ và đời sống Giáo-hội … thương khơi lên những cách bày tỏ lập trường cũng kỳ cục như những thái độ mà Đức Giêsu nói tới sao?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống khiêm tốn. Xin chữa chúng con khỏi bệnh hình thức. Xin giúp chúng con biết để ý đến điều chính yếu, và đừng mải miết vào những cái tầm phào, những cãi vã vô bổ.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Đức Giê Su khiển trách các luật sĩ và biệt phái.
HOÀN CẢNH:
Sau khi đã mô tả chân tướng của các luật sĩ và biệt phái giả hình, Đức Giê Su giải bày nỗi đau đớn sâu xa về bảy thứ tội giả hình của họ.
Phụng vụ phân chia bài than trách này thành ba bài:
- Ba lời than trách đầu: 23,13-22.
- Hai lời than trách các luật sĩ: 23,23-26.
- Hai lời than trách cuối cùng: 23,27-32.
Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại ba lời than trách của Đức Giê Su về các tội của các luật sĩ và biệt phái.
TÌM HIỂU:
13-14 “… Các ngươi khóa cửa Nước-Trời …”:
- Kiểu nói: “Khốn cho …” không có ý nguyền rủa, nhưng nói lên nỗi đau đớn xót xa theo kiểu đe dọa của các ngôn sứ.
- “Nước-Trời” ở đây có hai cách hiểu:
- Hiểu về Hội Thánh thời thập niên 80: nhiều người Do Thái muốn gia nhập nhưng lại bị các biệt phái ngăn cấm.
- Hiểu về Nước-Trời thời cánh chung: những luật lệ do các biệt phái và luật sĩ đặt ra quá nặng nề khiến cho người ta không thể trung thành với luật Chúa để có thể vào Nước-Trời.
- Câu 14 này đã được các nhàn sao chép đưa vào để nhấn mạnh tội giả hình và khía cạnh lợi dụng các việc đạo đức để trục lợi vật chất (nuốt hết tài sản của các bà góa).
15 “… Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được người theo đạo …”:
Câu này gợi cho thấy lòng nhiệt tình lôi kéo kẻ khác vào đạo của người Do Thái. Nhưng họ không làm gương sáng cho người ta tuân giữ luật Chúa và sống đạo đức. Tội giả hình của họ đã trở nên gương xấu khiến cho những ai theo đạo lại trở nên xấu hơn: “đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”.
16-22 “Khốn cho các ngươi, những kẻ dẫn đường mù quáng …”:
Những câu này đề cập đến các lời khấn có kèm theo lời thề. Họ giả hình ở chỗ lấy điều tùy làm điều chính, lấy điều chính làm điều tùy. Đan cử như lời thề: Họ nói: “Ai chỉ đền thờ mà thề thì không phải giữ, nhưng nếu chỉ vàng trong đền thờ thì buộc phải giữ lời thề”. Chúa sửa sai quan niệm sai lầm này bằng cách chỉ vẽ cho họ biết vàng trong đền thờ có giá trị không phải tự nó, song vì Đấng người ta đã dùng có để tỏ lòng tôn kính.
Các luật sĩ và biệt phái chỉ công nhận giá trị lời thề khi người ta nhân danh Thiên-Chúa. Nhưng Chúa cải chính rằng: Lấy tên các tạo vật mà thề cũng buộc phải giữ. Vì tất cả các tạo vật đều là của Chúa: Trời là tòa Chúa ngự, đất là đế Người kê chân. Chính quan niệm sai lầm như vậy về lời thề nên họ là những người mù quáng.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Xem việc Chúa làm:
- Chúa Giê-su khiển trách các luật sĩ và biệt phái về các tội giả hình. Sự khiển trách này có tính cảnh giác nhằm mục đích để họ sửa lỗi. Vì sau lời khiển trách, Chúa lại ban lời chỉ dẫn cho họ. Với tinh thần trách nhiệm, chúng ta cần khiển trách lỗi lầm của tha nhân, nhưng khi khiển trách chúng ta phải nhằm mục đích tạo điều kiện cho tha nhân hối lỗi và sửa sai: vì thế nên phải chỉ vẽ đường ngay và lẽ phải cho người ta theo. Chúa Giê-su khiển trách cách chính xác khi Người dựa vào các bằng chứng sai lầm cụ thể của tha nhân. Khi phải nhắc đến sai sót, lỗi lầm của tha nhân thì chúng ta cần phải dựa vào những bằng chứng cụ thể và chính xác, chứ đừng nói chung chung làm mất hiệu nghiệm cho người được sửa sai.
- Qua những lời khiển trách các luật sĩ và các biệt phái, Chúa Giê-su muốn tỏ lộ sứ vụ thẩm phán của Người: Và như vậy, Nước-Trời đã xuất hiện, Đấng Thiên Sai thi hành trách nhiệm thẩm phán của mình. Đối với những thiếu sót, lỗi lầm của tha nhân, chúng ta chỉ có quyền nhắn nhủ, khuyên bảo và tạo điều kiện cho người sửa sai chứ không có quyền phê bình, khiển trách, chỉ trích. Vì quyền xét xử chỉ dành riêng cho Thiên-Chúa và những người được Thiên-Chúa ủy phái, như những người có trách nhiệm đối với người khác.
b) Nghe lời Chúa nói:
- Lời than trách thứ nhất của Chúa nhằm đến giáo lý của luật sĩ và biệt phái quá khắt khe, cản trở người ta vào Nước-Trời. Điều này cũng gợi lên rằng Chúa khiển trách khi chúng ta quá đòi hỏi tha nhân về vấn đề sống đạo, tuân giữ luật Chúa cách tỉ mỉ cặn kẽ, đang khi chúng ta lại tìm đủ lý do để miễn chước cho mình khỏi phải giữ hoặc giảm thiểu những việc phải làm, những điều phải tuân giữ.
Chúa khiển trách khi chúng ta lợi dụng chức vụ, địa vị và những công việc đạo đức, phụng vụ để trục lợi vật chất.
- Chúa than trách về việc truyền giáo nhiệt tình đưa người ta vào đạo, nhưng để lấy tiếng chứ không lo dạy dỗ họ đến nơi đến chốn theo giáo lý của Thiên-Chúa. Chúa cũng than trách khi chúng ta chỉ biết chăm chú hoạt động sôi nổi để truyền giáo và Tông Đồ mà ít lưu tâm đến vấn đề dạy dỗ, hướng dẫn và đào tạo cho người sống đạo cách cụ thể và thiết thực.
- Chúa than trách các luật sĩ về tội ngụy biện trong các lời thề. Theo tinh thần của Chúa thì mọi lời thề đều phải giữ, bất cứ dưới hình thức nào. Nhưng họ lại giải thích chỉ khi nào nhân danh Chúa mà thề thì mới phải giữ. Chúa cũng than trách khi chúng ta bày ra nhiều cách tinh vi để giải thích ý nghĩa các lời thề theo ý muốn riêng. Do đó chuyện thực hiện và giữ các lời khấn hứa trở thành một thứ đạo đức giả. Điều này cũng cảnh giác khi chúng ta giải thích theo ý muốn riêng về điều tuân giữ các lời khấn khó nghèo, thanh khiết và vâng lời.
2. Nhìn vào các luật sĩ và biệt phái:
Chúng ta tự đặt mình vào các luật sĩ và biệt phái, chúng ta sẽ cảm thấy chúng ta có những quan niệm sai lầm và những sai sót giống như họ khiến cho những lời Chúa than trách họ qua bài Tin-Mừng này, cũng chính là những lời Chúa đang than trách chúng ta để giúp chúng ta sửa mình.
3. Những lời than trách của Chúa Giê-su trên đây ngày nay cũng vẫn còn ý nghĩa đối với chúng ta. Có lẽ chúng ta không mắc tội giả hình, nhưng cũng mắc nhiều lầm lẫn khác:
- Trong việc truyền giáo, chúng ta có nhiệm vụ trình bày lời Chúa, chứ không được áp đặt kẻ khác theo quan niệm riêng của mình.
- Trong đời sống đạo đức, chúng ta phải nêu gương lành, để lôi kéo và hướng dẫn người ta về với Chúa, chứ không được gây ảnh hưởng cá nhân hoặc tìm tư lợi.
- Trong việc giữ luật Chúa, chúng ta phải tỏ ra thành tâm thiện chí và thẳng thắn, sáng sủa, chứ không được dùng ngụy biện để che mắt Chúa hoặc mê hoặc lương tâm!